(Chinhphu.vn) – Đây là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Dự thảo Thông tư này quy định về tiêu chuẩn thư viện của trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông), bao gồm: Tài nguyên thông tin; cơ sở vật chất; thiết bị chuyên dùng; hoạt động thư viện; quản lý thư viện.

 

Mục đích áp dụng tiêu chuẩn thư viện nhằm bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục; xác định định mức, dự toán để lập dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo thư viện đã có. Xác định mức độ đạt tiêu chuẩn thư viện để kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

 

Chức năng, nhiệm vụ của thư viện cơ sở giáo dục mầm non gồm: Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với độ tuổi, tâm lý của trẻ em, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện và đáp ứng mục tiêu, nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non.

 

Tổ chức hoạt động làm quen với sách, tương tác với sách, hình thành thói quen đọc của trẻ em mầm non; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin cho người sử dụng thư viện; tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin và hoạt động thư viện.

 

Thư viện cơ sở giáo dục phổ thông có chức năng, nhiệm vụ xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với nhu cầu đọc sách, học tập, giải trí, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn của người sử dụng thư viện và đáp ứng mục tiêu, nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông của từng cấp học.

 

Tổ chức hoạt động khuyến đọc, hình thành thói quen, kỹ năng đọc của học sinh; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin cho người sử dụng thư viện; hỗ trợ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động giáo dục khác.

 

Liên thông thư viện

 

Dự thảo nêu rõ, liên thông thư viện giữa các thư viện trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (với cấp học cao nhất là trung học cơ sở) cùng cấp học, cùng địa bàn cấp huyện; liên thông thư viện giữa các thư viện trường trung học phổ thông cùng địa bàn cấp huyện, tỉnh; giữa các thư viện trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (với cấp học cao nhất là trung học phổ thông) với thư viện cấp huyện, tỉnh cùng địa bàn…

 

Các thư viện có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm và tương thích; có nguồn tài nguyên thông tin số bảo đảm; có nhân lực để đáp ứng, vận hành, khai thác, chia sẻ có thể liên thông với các thư viện của cơ sở giáo dục khác mà không giới hạn không gian liên thông.

 

Các thư viện tham gia liên thông trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên của thư viện cho nhóm dùng chung; hợp tác có thỏa thuận giữa các thư viện bảo đảm thống nhất quy trình khai thác, được quản lý bằng các phần mềm, có thể truy cập được bằng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác.

 

Theo dự thảo có 2 hình thức liên thông thư viện. Hình thức thứ nhất là tài nguyên thông tin số: Các thư viện trong nhóm thực hiện chia sẻ cơ sở dữ liệu biểu ghi, mục lục tài nguyên thông tin số theo các cấp độ được tổ chức theo cấu trúc nghiệp vụ thư viện và quyền truy cập cơ sở dữ liệu.

 

Hình thức thứ hai là tài nguyên thông tin dưới dạng in ấn: Các thư viện trong nhóm thực hiện việc luân chuyển tài nguyên thông tin như sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo, báo, tạp chí, truyện, tranh ảnh giáo dục và tài liệu khác định kỳ theo học kỳ, năm học.

 

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

Lan Phương
http://baochinhphu.vn

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2648
  • Hôm qua2647
  • Tất cả3421738