Trong khuôn khổ hoạt động “Phiên chợ khuyến đọc” (kéo dài đến ngày 2-1-2023 tại Đường sách TPHCM), một chương trình giao lưu về văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay đã được diễn ra với sự tham gia của Thạc sĩ Thái Thu Hoài, Phó Trưởng Khoa Xuất bản (Trường Đại học Văn hóa TPHCM) và anh Nguyễn Anh Luân, CEO Nhà của Thời thơ ấu.

Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự vươn lên mạnh mẽ của Internet khiến sách dường như bị bỏ quên trong một góc khuất nào đó. Nhiều người không tìm đến sách nữa mà thay vào đó là những trò chơi, hay xu hướng thời đại hơn như Game, Facebook, Zalo, Instagram, Tinder... Vì thế, văn hóa đọc cũng dần ngủ quên trong tiềm thức của đa số người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Trong chương trình, các diễn giả cùng các độc giả đã bàn luận sôi nổi các vấn đề xoay quanh chủ đề như: Đọc sách vì thói quen hay mục tiêu, cách ứng dụng sách vào thực tế cuộc sống để đạt hiệu quả cao, đọc sách Self - Help (sách hướng đến mục tiêu giúp người đọc tự hoàn thiện bản thân) có giúp ích được cho bản thân nhiều như tên gọi hay chia sẻ một cuốn sách giúp thay đổi cuộc đời.

Văn hóa đọc của giới trẻ trong thời đại 4.0  ảnh 1

Thạc sĩ Thái Thu Hoài và anh Nguyễn Anh Luân chia sẻ tại chương trình

Thạc sĩ Thái Thu Hoài cho biết, là người thuộc thế hệ trước khi có Internet nên khi được cầm trên tay những cuốn sách là điều vô cùng trân trọng. Còn ngày nay với chiếc smart phone hoặc laptop, các bạn trẻ có thể truy cập bất cứ kho tàng tri thức nào của nhân loại.

“Không chỉ đọc sách giấy, các bạn còn có sách nói, sách điện tử… Tuy nhiên, khi quá đa dạng lựa chọn sẽ khiến con người ta lười và thay vì dành thời gian đọc sách, các bạn sẽ dành thời gian lướt mạng, xem phim, giải trí. Đó là vấn đề mà tôi vẫn hay trao đổi với các bạn sinh viên tại trường”, Thạc sĩ Thái Thu Hoài bày tỏ.

Trước câu hỏi: "Xem việc đọc sách là thói quen hay sở thích?", anh Nguyễn Anh Luân chia sẻ: “Khi bắt đầu đọc, tôi xem đọc sách là một mục tiêu. Đọc sách giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng mới, những định hướng mới cho cuộc đời. Chúng ta phải luôn suy nghĩ xem đọc để làm gì, giúp ích gì cho mình. Sách không giúp bạn giải quyết vấn đề nhưng giúp bạn tìm ra phương hướng để đi”.
 

Cũng theo anh Luân, sau này dần dần thấy được lợi ích của việc đọc sách, anh đã biến nó thành thói quen và cuối cùng là yêu thích việc đọc sách. Tâm niệm của anh là không cần đọc nhiều sách mà hãy đọc sách nhiều.

Về góc nhìn “đọc sách nhiều hay đọc nhiều sách”, Thạc sĩ Thái Thu Hoài lại có quan điểm rằng: "Tùy vào mục đích của sinh viên là gì, nếu bạn mong muốn tìm hiểu nhiều chủ đề đa dạng khác nhau để có góc nhìn đa chiều thì việc đọc nhiều sách cũng giúp ích rất nhiều”.

Có một thực tế hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến dòng sách Self - Help, tuy nhiên, việc ứng dụng vào công việc, học tập như thế nào để đạt hiệu quả “học đi đôi với hành” thì không phải ai cũng biết.

Trước vấn đề này, anh Nguyễn Anh Luân cho biết: “Các bạn nên đọc sách Self - Help, sau đó tham gia khóa học của tác giả và ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Trong quá trình ứng dụng nên xem sách đó như một tài liệu tham khảo để đối chiếu với thực tế mà bản thân trải nghiệm. Thực tế và sách đôi khi kết quả không giống nhau, xem xét lại bản thân hoặc lựa chọn những cuốn sách khác có thể giúp ích để điều chỉnh cho phù hợp”.

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2652
  • Hôm qua2651
  • Tất cả3432340