Để đáp ứng hiệu quả nhu cầu của đông đảo bạn đọc thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thư viện Tạ Quang Bửu đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường, không gian học tập thân thiện, hiệu quả...

Tiện ích hệ thống mượn-trả sách tự động

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, sinh viên Phạm Thị Thu Hường (K64 ngành Kế toán, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã dễ dàng mượn được giáo trình và sách tham khảo chuyên ngành tại Thư viện Tạ Quang Bửu. Quy trình mượn-trả sách đều được thư viện tự động hóa và người dùng tự làm thủ tục thông qua hệ thống nhận diện, quét ID; mỗi sinh viên được mượn và trả sách theo nhu cầu. Sinh viên Thu Hường chia sẻ: “Để quá trình mượn sách diễn ra nhanh chóng thì trước khi làm thủ tục, chúng em phải tra cứu vị trí, ký hiệu của sách thông qua hệ thống tra cứu điện tử. Quá trình tra cứu, làm thủ tục mượn sách ước chừng chỉ mất từ 5 đến 7 phút. Với hình thức đào tạo theo tín chỉ, nhiều sinh viên như em lựa chọn đến thư viện học tập để khỏa lấp khoảng thời gian trống giữa các tiết học. Mỗi ngày, em thường dành khoảng 3 giờ lên thư viện để đọc sách, tra cứu thông tin và tìm tài liệu qua internet”.

Mỗi năm, Thư viện Tạ Quang Bửu phục vụ khoảng 30.000 bạn đọc là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trung bình mỗi ngày có 2.200 đến 2.500 lượt bạn đọc tới thư viện học tập. Đặc biệt vào mùa thi, thư viện đón tiếp khoảng 2.800 lượt sinh viên mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, thư viện mở cửa phục vụ từ 8 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Thư viện có 6 phòng đọc chuyên ngành, 2 phòng mượn sách về nhà. Là người gắn bó với thư viện 16 năm, nhân viên thư viện Nguyễn Hương Trà cho biết: “Nếu như trước đây các em mượn-trả sách thông qua ghi phiếu khá mất thời gian thì bây giờ thư viện áp dụng hệ thống tự động giúp việc quản lý dễ dàng hơn. Hằng năm, chúng tôi tổ chức một buổi hướng dẫn và đào tạo kỹ năng sử dụng thư viện cho tân sinh viên, cũng như phổ biến những nội quy của thư viện cho bạn đọc”.

Trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang online. Để kịp thời hỗ trợ sinh viên có sách học khi không đến trường, Thư viện Tạ Quang Bửu đã mở thêm dịch vụ chuyển phát nhanh tài liệu tới tay bạn đọc. Theo đó, sinh viên có nhu cầu mượn sách, giáo trình chỉ cần tra cứu tài liệu trên hệ thống tra cứu thư viện và gửi yêu cầu tới thư viện. Tiếp đó, cán bộ thư viện sẽ xử lý yêu cầu, tìm tài liệu, đóng gói và gửi chuyển phát nhanh tới bạn đọc. Sau khi dùng xong tài liệu, các em sẽ trực tiếp trả sách tại thư viện khi đi học trở lại.

Quyết tâm phát triển thư viện số

Đối với Thư viện Tạ Quang Bửu, mục tiêu số hóa nguồn học liệu đang là một khó khăn lớn. Trên thực tế, từ năm 2007, thư viện đã xây dựng thư viện số với nguồn tài liệu chủ yếu là các bài giảng, một số giáo trình của giảng viên trong trường gửi về, luận án, luận văn sau đại học. Hiện nay, việc số hóa giáo trình còn gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến bản quyền. Trong đó, nhiều giáo trình, sách tham khảo được gửi về thư viện có thể được số hóa lưu trữ nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.

Thạc sĩ Hà Thị Huệ, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu, cho biết: “Trong kỷ nguyên số, mọi thông tin đều được đưa vào số hóa. Tuy nhiên, việc số hóa sách, tài liệu phải được sự đồng ý của tác giả và nhà xuất bản nơi tác giả in sách vì liên quan đến bản quyền và quyền lợi. Hiện tại, thư viện mới chỉ số hóa được luận án, luận văn, bài giảng và một số giáo trình. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã đề xuất với Ban giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cần có kế hoạch số hóa tài liệu là giáo trình do giảng viên trong trường viết và những sách giáo trình mà thầy, cô đăng ký là tài liệu tham khảo bắt buộc cho mỗi môn học. Thay vì bán sách, chúng tôi tính tới phương án bán lượt truy cập sau khi số hóa. Đây cũng là cách mà nhiều thư viện số trên thế giới đã áp dụng thành công”.

Để tăng cường nguồn tài liệu điện tử, năm 2014, Thư viện Tạ Quang Bửu đã phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học công nghệ các trường đại học kỹ thuật xây dựng “Liên hiệp chia sẻ nguồn tin khoa học công nghệ và kỹ thuật-STE Consortium” gồm 22 thư viện các trường trong câu lạc bộ. Mục đích của sự liên kết này là cùng nhau hợp tác và chia sẻ lợi ích khi bổ sung chung các nguồn tin khoa học công nghệ phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường. Hiện nay, Thư viện Tạ Quang Bửu là một trong 4 thư viện trên cả nước được Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ sử dụng quyền truy cập Cơ sở dữ liệu điện tử Sciencedirect. “Với mong muốn tạo cho bạn đọc có không gian học tập tốt hơn, nguồn thông tin đa dạng, phong phú và tiện ích trong học tập, Thư viện Tạ Quang Bửu mong muốn cải tạo và xây dựng không gian thư viện trong kỷ nguyên số để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiệu quả”, bà Hà Thị Huệ khẳng định.

Bài và ảnh: Hữu Trường
 https://qdnd.vn

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2653
  • Hôm qua2652
  • Tất cả3434993