Ngày 23.5 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và liên thông thư viện”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng chuyển đổi số và liên thông thư viện hiện nay; làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra những phương hướng, xây dựng lộ trình, lựa chọn giải pháp thực hiện chuyển đổi số và liên thông thư viện đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo kế hoạch đối với từng loại thư viện.

 

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội thảo

Các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào các vấn đề như đánh giá thực trạng chuyển đổi số và liên thông thư viện tại các đơn vị, xác định tồn tại và nguyên nhân; xác định nguồn lực thư viện (cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, kinh phí, đội ngũ người làm công tác thư viện…) phục vụ chuyển đổi số và liên thông thư viện; đưa ra các mô hình, giải pháp tiêu biểu về chuyển đổi số và liên thông thư viện phù hợp với các loại hình thư viện…

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định chuyển đổi số là vấn đề liên tục được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Đây cũng là vấn đề ngành thư viện nói riêng và VHTTDL nói chung luôn đau đáu. Bởi lẽ, chương trình chuyển đổi số ngành thư viện chính là chiếc “chìa khoá” để thư viện Việt Nam tiến gần hơn đến bạn đọc. Nhưng từ thực tế, dù đang từng bước hiện đại hoá thư viện nhưng công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang là vấn đề phải thẳng thắn nhìn nhận. Chưa kể trong liên thông, nhiều thư viện chưa sẵn sàng chia sẻ nguồn chia sẻ vì nhiều lý do. Vì vậy, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị thời gian tới, thư viện cùng toàn ngành VHTTDL phải coi vấn đề chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển. Các thư viện phải liên kết chặt chẽ hơn nữa trong liên thông và chuyển đổi số. Mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu tri thức của bạn đọc, góp phần vào công cuộc phát triển con người Việt Nam toàn diện.

 

 

Hội thảo diễn ra vào ngày 23.5 tại Hà Nội

Trình bày báo cáo đề dẫn, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư Viện (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh trong những năm gần đây, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phát triển mà còn là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. “Có thể nói, chuyển đổi số là việc làm cấp bách nếu muốn phát triển. Để tiếp tục những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển, Việt Nam phải nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số. Ngành thư viện Việt Nam cũng phải có những bước tiến lớn, hiện đại hoá để theo kịp thời cuộc”.

 

 

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện

Theo đại diện Thư viện quốc gia Việt Nam, chuyển đổi số không phải là vấn đề mới đối với ngành thư viện. Có thể nói, ngành thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động từ khá sớm so với những lĩnh vực khác. Trải qua hơn 30 năm ứng dụng với một số giai đoạn đột phá, hiện ngành thư viện cũng đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên có thể thấy, mặc dù quá trình ứng dụng công nghệ khá dài nhưng vì nhiều lý do hạn chế, ngành thư viện đang có xu hướng thụt lùi so với các ngành, lĩnh vực khác về chuyển đổi số, liên thông. Một trong những điểm yếu của hoạt động thư viện là cát cứ, rời rạc. Mỗi thư viện tự phục vụ người sử dụng theo những gì mình có, thiếu sự kết nối, liên thông. Do đó để, phía Thư viện Quốc gia Việt Nam nhận định vấn đề chuyển đổi số, liên thông thư viện cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa về vật lực, nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi.

ĐÌNH TOÁN
https://baovanhoa.vn/

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2625
  • Hôm qua2624
  • Tất cả3361087