Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành thư viện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Song vẫn còn những điểm nghẽn cần giải quyết mới thúc đẩy chuyển đổi số thư viện nhanh chóng, đạt được những mục tiêu đề ra.

Thể chế đi trước

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (tháng 6-2020), đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tạo hành lang pháp lý để ngành thư viện chuyển đổi số mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cần có thêm quy định pháp luật cụ thể hơn để giải quyết một số bất cập. Chẳng hạn, trong Điều 24 Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18-8-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, đề cập đến vấn đề liên thông thư viện, đó là “thực hiện trên cơ sở tự nguyện, hợp tác có thỏa thuận và có sự phân công, phối hợp giữa các thư viện”. Điểm nghẽn trên thực tế là khối lượng và chất lượng vốn tài liệu số hóa giữa các thư viện không tương đồng. Một số thư viện tích cực số hóa trong nhiều năm xây dựng được vốn tài liệu số hóa chất lượng như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin-Thư viện (Đại học Quốc gia Hà Nội)... tất nhiên không thể tự nguyện chia sẻ để dùng chung nếu không có lợi ích được hưởng. TS Nguyễn Hoàng Sơn, Phó chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Thư viện (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Cần phải nghiên cứu đưa ra chính sách và các giải pháp kỹ thuật để các thư viện tích cực tham gia liên thông, xóa bỏ tình trạng “cát cứ”. Vốn tài nguyên có thể dùng chung nhưng theo hướng thư viện nào đóng góp, chia sẻ vốn tài nguyên số nhiều thì hưởng lợi nhiều, như vậy mới bảo đảm công bằng”.

Gỡ khó cho chuyển đổi số thư viện
Người sử dụng mượn trả sách tự động tại Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NAM HOÀNG. 

Một vấn đề nan giải mà mọi thư viện đều lúng túng là vấn đề bảo hộ quyền tác giả đang xung đột với yêu cầu số hóa, cung cấp tài liệu cho người sử dụng dịch vụ thư viện. Các quy định quốc tế lẫn trong nước hiện nay đều tính thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 50 năm, kể từ khi tác giả qua đời hoặc thời điểm chương trình được phát sóng, biểu diễn. Điều này gây khó khăn cho thư viện muốn số hóa, cập nhật những tài liệu mới phục vụ bạn đọc nhưng lại không có kinh phí chi trả nhuận bút. Bên cạnh nỗ lực tự thân của các thư viện thỏa thuận, đàm phán tiến tới ký kết sử dụng miễn phí với các tổ chức, cá nhân nắm giữ bản quyền, cần có chính sách khuyến khích xóa bỏ tình trạng bản quyền khu vực công. Chẳng hạn, cần có quy định cho phép các thư viện số hóa và sử dụng miễn phí đối với những tác phẩm do Nhà nước đặt hàng.

Đầu tư đúng mức, hiệu quả

Lợi ích chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện đã được chứng minh, song bài toán đầu tư thế nào để mang lại hiệu quả không dễ giải đáp. Bởi lẽ bản chất chuyển đổi số của ngành thư viện không chỉ là số hóa vốn tài liệu rồi cung cấp cho bạn đọc mà còn liên quan đến quá trình thay đổi toàn diện và tổng thể hàng loạt vấn đề như: Quản trị, phương pháp làm việc, tương tác với người sử dụng...

Ở những thư viện thông minh áp dụng công nghệ số tại các nước tiên tiến, gần như không có vị trí thủ thư bởi quá trình tìm kiếm, sử dụng tài liệu tại chỗ hay qua không gian mạng đều được thực hiện tự động. Muốn đạt đến trình độ như vậy, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn do áp dụng nhiều công nghệ hiện đại. Ông Dương Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Thông tin và Công nghệ số cho biết: “Các công ty trong nước hiện nay hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề chuyển đổi số thư viện. Quan trọng nhất là các thư viện cần phải xác định rõ mục đích, yêu cầu của đơn vị mình, từ đó mới quyết định tập trung đầu tư ở hạng mục nào để thực sự hiệu quả”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kinh phí để chuyển đổi số thư viện cơ bản, tạm thời đáp ứng nhu cầu người sử dụng khoảng 8 tỷ đồng. Sẽ có rất ít cơ quan chủ quản của thư viện đầu tư kinh phí trọn gói để thư viện chuyển đổi số. Các thư viện chỉ còn cách lập dự toán hằng năm để có kinh phí phục vụ chuyển đổi số. Do vậy, thư viện cần xác định dựa theo thực tiễn đơn vị đâu là việc cần làm ngay trong chuyển đổi số. Thư viện tỉnh Thái Nguyên đã xác định sẽ đầu tư nâng cao khả năng phục vụ người dân qua trang web; Thư viện tỉnh Đồng Tháp lựa chọn ứng dụng một số công nghệ như trí tuệ nhân tạo (ví dụ sách nói với tùy chọn giọng đọc nam hay nữ), thực tế ảo (để có thể tạo ra các tủ sách ảo); thư viện một số trường đại học sẽ đầu tư nghiên cứu, phát triển phần mềm bảo đảm chuẩn giao thức quốc tế OAI-PMH để tiến tới kết nối, chia sẻ toàn văn trong liên thông thư viện...

Theo các chuyên gia thư viện, lựa chọn đầu tư chuyển đổi số ở hạng mục nào cũng nên hướng vào việc khắc phục các điểm yếu cố hữu. Chẳng hạn, không chỉ là đầu tư vào công nghệ mà còn có thể đầu tư vào đào tạo, tuyển lựa nhân lực thực hiện tương tác với cộng đồng, thu hút người dân tìm đến dịch vụ thư viện cũng là một cách làm thiết thực.

HÀM ĐAN
https://qdnd.vn/

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2648
  • Hôm qua2647
  • Tất cả3421738