Sau 3 năm xây dựng và vận hành thư viện xanh tại Trường tiểu học Thanh Xuân đến nay, thư viện đã thực sự là không gian văn hóa đọc - giải trí yêu thích của các bạn học sinh sau những giờ học trên lớp.

Trường Tiểu học Thanh Xuân là một trong những trường tiểu học còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Quan Hóa. Vậy nhưng sau nhiều nỗ lực, năm 2020 thư viện xanh Trường tiểu học Thanh Xuân cũng đi vào hoạt động để phục vụ học sinh đọc sách. Trong khi với học sinh các trường học ở khu vực thành phố, huyện đồng bằng, mô hình thư viện xanh đã khá quen thuộc từ nhiều năm nay. Thì ở khu vực miền núi, đặc biệt là các trường học ở vùng cao xứ Thanh, thư viện xanh đang được xây dựng, đi vào hoạt động, mang đến cho học sinh một không gian đọc sách mở với những trải nghiệm thích thú cùng sách.

Đến nay, sau 3 năm thư viện xanh đã thực sự là không gian văn hóa đọc - giải trí yêu thích của các bạn nhỏ ở Trường tiểu học Thanh Xuân sau những giờ học trên lớp. Sau tiếng trống báo hiệu ra chơi, các em ùa ra thư viện xanh của nhà trường để tìm đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.

Được biết, học sinh tại Trường tiểu học Thanh Xuân chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn nên việc bố mẹ mua sách (tham khảo, văn học, truyện tranh…) cho các em đọc là rất ít. Các em cũng không có máy tính, điện thoại nên sách thực sự là những người bạn quý. Kể từ khi thư viện xanh được xây dựng đã mang đến cho thầy và trò nhà trường không gian văn hóa đọc nhiều niềm vui.

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân, ngoài điểm trường chính, tiểu học Thanh Xuân có 3 điểm trường lẻ. Trong đó, xa nhất là điểm trường bản Giá cách điểm trường chính 12 km và điểm trường bản Vui cách hơn 9 km. Đây cũng là hai bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái sinh sống. Cũng bởi đời sống người dân còn khó khăn nên nhiều kỹ năng của trẻ em khá hạn chế, như việc đánh vần, đọc, viết tiếng Việt. Vì thế, việc xây dựng mô hình thư viện xanh ở các điểm trường không chỉ khơi gợi, tập cho các em học sinh thói quen đọc sách, từ đó rèn luyện kỹ năng đọc, nói tiếng Việt. Ngôn ngữ là “chìa khóa” mở ra cánh cửa tri thức, muốn phát triển ngôn ngữ thì phải rèn luyện thói quen đọc sách. Chính vì thế, trong năm 2020 nhà trường nỗ lực để cả 4 điểm trường đều có thư viện xanh nhằm phục vụ việc đọc cho học sinh.

Xác định thư viện xanh là cần thiết cho việc đọc sách của học sinh, mới đây sau nhiều cố gắng, mô hình thư viện xanh của thầy và trò Trường tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát) cũng đã chính thức đi vào hoạt động.

Thư viện xanh Trường tiểu học Trung Lý 1 được xây dựng với kinh phí hơn 40 triệu đồng từ một phần kinh phí nhà trường và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Rõ ràng, thư viện xanh trong hệ thống trường học nói chung, thư viện xanh ở các trường tiểu học vùng cao nói riêng đang phát huy tác dụng khá tốt trong việc tạo lập thói quen đọc sách cho bạn nhỏ. Tuy nhiên, việc xây dựng các thư viện xanh ở những trường học nơi vùng đất khó cũng không phải điều dễ dàng. Để mô hình thư viện xanh trong trường học phát huy hiệu quả, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của nhà nước dành cho việc mua sắm sách, trang thiết bị phục vụ việc đọc của học sinh…


https://www.moitruongvadothi.vn/

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2654
  • Hôm qua2653
  • Tất cả3437647