UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 1/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Theo đó, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng trên các kênh thông tin đại chúng, nhất là trên nền tảng công nghệ số, phát huy ưu thế của mạng xã hội. Huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trên địa bàn TP với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc, hướng dẫn kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trên địa bàn TP. Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với đối tượng thiếu nhi, đa dạng sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong các hoạt động, sự kiện khuyến đọc, trải nghiệm với sách; đẩy mạnh hoạt động thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ thiếu nhi đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Mặt khác, bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định với trọng tâm là hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học. Tăng đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập có vai trò quan trọng để tập trung phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia phục vụ thiếu nhi tại cơ sở.

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia  đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; từng bước xây dựng và phát triển thư viện, mô hình văn hóa đọc phù hợp với thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, thuộc diện hộ nghèo…). Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông thư viện, từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ việc đọc và khai thác thông tin của thiếu nhi trong thư viện.

Vân Minh

Nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn/

Liên kết

Thống kê

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm nay2662
  • Hôm qua2661
  • Tất cả3458915